AI đang dần tạo nên những cuộc cách mạng trong tất cả các lĩnh vực. Có rất nhiều Edtech đang muốn thay đổi cuộc chơi nhờ AI. Step Up tự hào tạo ra sản phẩm app môi trường giao tiếp tiếng Anh đầu tiên tại Việt Nam - The Coach.
Kỉ nguyên AI đã tới, đừng học tiếng Anh như cách bạn học 10 năm trước
Nguyễn Hiệp
CEO
09/06/2023
Hỏi đáp cùng cơ trưởng The Coach

Tại sao lại là App học tiếng Anh giao tiếp hay nhất “Cầu Giấy”?

  • Anh em công nghệ nào cũng tham vọng tiến ra thị trường toàn cầu cả. Mình nói với anh em trong công ty câu đó với nhiều ngầm ý trong đó.
  • Thứ nhất, cuộc chơi công nghệ là cuộc chạy đua vũ trang về tính năng với các đối thủ từ khắp thế giới, phải luôn theo đuổi bắt kịp và sở hữu những công nghệ tiên tiến nhất.
  • Thứ hai là phải cắm rễ sâu vào đất nước mình được sinh ra. “Think global act Cầu Giấy”. App của người Việt trước tiên phải giải quyết vấn đề giao tiếp của người Việt.
  • Thông điệp thứ ba cho anh em là về sự khiêm tốn. Có thể những gì Step Up làm được như AI chỉ ra lỗi sai phát âm, AI xử lí ngôn ngữ tự nhiên… người dùng cũng thấy các tính năng đó có mặt trên những app đình đám gọi vốn được hàng trăm tỉ.
  • Điều đó là chưa đủ, sự khiêm tốn là thứ một doanh nghiệp nhỏ cần phải có để cố gắng hơn và lắng nghe khách hàng kĩ hơn.

Tại sao là giao tiếp mà không phải kỹ năng khác?

  • Giao tiếp tiếng Anh là một kĩ năng cần phải có đủ “giờ bay” cũng như cần “bảo trì” để sở hữu và duy trì phản xạ. Đây là kĩ năng đòi hỏi trí nhớ cơ bắp và muốn nói được thì người học thực sự cần mở miệng hàng chục cho tới hàng trăm giờ.
  • Việc học kèm 1:1 hoặc tham gia vào các lớp học giao tiếp liên tục trong nhiều năm trời là một thứ khá đắt đỏ và tốn thời gian đối với nhiều người học. Ngoài ra trong thị trường lao động hiện nay, có rất nhiều loại công việc mà chỉ cần có tiếng Anh là thu nhập của người đi làm đó có thể gấp 1,5 hoặc 2 lần. Trong khi đó sự lựa chọn về tự học giao tiếp với chi phí thấp trên thị trường lại rất ít hoặc khó sử dụng.

App The Coach có gì đặc biệt?

Đối với mình, trải nghiệm học hành tốt nhất là trải nghiệm được kèm cặp bởi vì người học sẽ được tuỳ biến về nội dung, chỉ được ra lỗi sai và sửa ngữ pháp. Ngay từ khi lên ý tưởng về sản phẩm. Cả team đã nghiên cứu rất nhiều phương pháp học, ngồi xem rất nhiều bài giảng dạy kèm của những giáo viên chất lượng khắp thế giới để tìm ra được công thức. Việc đặt tên The Coach cũng là muốn truyền tải tinh thần “huấn luyện viên” của app.
 Lặp lại nhiều lần là thứ tốt nhất để não bộ người trưởng thành nhớ được cách nói của một câu tiếng Anh dài. Khác với trẻ em thì việc học có thể thoải mái và nội dung học rộng hơn. Người trưởng thành sẽ cần được lặp đi lặp lại nhiều hơn mới nhớ được các cấu trúc cần học. Mỗi bài học trong app thời lượng và số lần mở miệng sẽ tương đương với một buổi học kèm 1:1 với giáo viên.
Từ những ngày đầu, nghiên cứu trên hàng trăm người tự học giao tiếp tiếng Anh thành công mà Step Up làm cho thấy có một nhóm có cách học cực kì đặc biệt mà hiệu quả. Thay vì học tràn lan hàng chục câu nói mỗi ngày, có những bạn chỉ chọn học và nhớ những cụm phổ biến và có tính ứng dụng cao.
Đầu tiên, trong việc trao đổi với anh em trong team, mình thường hay đặt câu hỏi với anh em là “Liệu đây có phải là cách những người thông minh nhất đang làm không?”
Thứ hai. Muốn nói được, phải nói nhiều. Nghiên cứu cho thấy để phản xạ được một cấu trúc câu bạn sẽ cần nói ra khỏi miệng hàng chục lần
Thứ ba: Môi trường, sửa lỗi và “Onion GPT”
Cũng từng là người học tiếng Anh, mình hiểu được rất rõ cái sự lười và nản của người học khi phải ngồi nhại hàng giờ các câu muốn học qua sách và phim mà không có sự phản hồi tương tác nào. Chúng ta vẫn phải học giao tiếp một cách vất vả như thế từ rất lâu rồi.
Những tiến bộ về AI trong thời gian gần đây đã mang lại trải nghiệm trò chuyện tiếng Anh tới gần hơn với mọi người. Giờ đây ngồi nhà cũng có được trải nghiệm như đang trò chuyện với nhiều người bản xứ khác nhau trong vô vàn tình huống khác nhau. Môi trường để thực hành chính là thứ người học thèm khát bấy lâu nay.
Trong buổi sáng tác cái tên cho hạng mục đột phá này của app, anh em trong team đã đi vào ngõ cụt. Cái tên Onion để phản ánh tính thực HÀNH có lẽ là sự lựa chọn vui vẻ gần gũi nhất. Rất tiếc mình đã không thuyết phục được anh em đặt tên là “Real Onion”, rất “thực hành”, có lẽ team chưa đủ “mặn” để chấp nhận được cái tên này.

Làm công nghệ gặp những khó khăn gì?

  • Làm công nghệ với mình trong thời gian đầu thực sự choáng ngợp. Mình xuất thân từ Ngoại Thương, một trường không liên quan lắm về lĩnh vực công nghệ. Bài toán khó thì nhiều, nguồn lực thì có hạn. Bản thân mình cũng đã học rất nhiều để hiểu và cùng giải quyết bài toán công nghệ. Một công ty khởi nghiệp thì thường không có nhiều sự lựa chọn, một dự án công nghệ 2 năm được làm trong 1 năm tức là chi phí dự án đó giảm tới gần một nửa. Mình hay giới thiệu với mọi người chuyên môn của mình là “hack timeline”.
  • Có nhiều ngọn núi quá cao nhưng vẫn phải leo. Ngày xưa Step Up có làm combo sách kèm app học tiếng Anh. Từ 5 năm trước mình đã rất muốn combo này có được một chú AI chỉ ra lỗi sai phát âm của người học. Mặc dù mình luôn biết là với nguồn lực công nghệ của một công ty xuất bản thì đây là một nhiệm vụ bất khả thi và công nghệ này chưa chắc đã giúp gì được nhiều cho việc bán hàng và tiếp thị. Mình hay nói đùa với anh em là khi bạn rất muốn một thứ gì đó và trái tim bạn thuần khiết thì bạn có thể đạt được điều đó. 
  • Có quá nhiều việc phải làm, có quá ít thời gian. Bước lên sàn đấu công nghệ là bước lên thi đấu với rất nhiều công ty có những túi tiền không đáy. Ngoài chuyện cặm cụi sửa lỗi, team còn phải nai lưng ra phát triển tính năng mới để hấp dẫn người dùng. Ở những công ty khác người ta dùng “Sprint” để làm đơn vị thời gian làm sản phẩm thường là 2-3 tuần, còn ở Step Up “Sprint” là một tuần.
  • Miễn phí, miễn phí và miễn phí. Trong một video giới thiệu về app bất kì trên thị trường, một trong những câu hỏi thường thấy là “app có miễn phí không?”. Ngay cả với mình là người làm về phần mềm thì việc chi trả 500.000 vnđ cho một app vẫn sẽ khó hơn việc chi trả khoản tiền đó cho một sản phẩm/ dịch vụ vật lý. Cũng dễ hiểu thôi, việc của người làm phần mềm sẽ phải là làm cho app mang lại hiệu quả và giá trị gấp nhiều lần sản phẩm vật lý đó để khách hàng thấy thoả đáng.
  • Và may sao là cuối cùng anh em cũng “nội địa hoá” được AI đó. Mình thực sự cảm ơn đất nước này đã có những kĩ sư sánh vai về trình độ với anh em ở thung lũng Sillicon. Bài toán có rất khó cũng vẫn có thể tìm một kĩ sư người Việt đưa ra phương án trả lời được. Qua thời gian, team Step Up cũng đã về nhì trong một hạng mục của cuộc thi VSLP, một cuộc thi về AI hàng đầu ở Việt Nam với sự tham gia của rất nhiều đội thi từ các tập đoàn lớn. Ở Step Up, mọi bài toán khó đều là “chưa biết” chứ không phải là “không biết”.

Hướng đi của The Coach trong thời gian tới?

  • The Coach của ngày hôm nay cần phải gây nghiện hơn để trở thành một liều thuốc giao tiếp cho tất cả mọi người. Theo quan sát của mình thì chỉ có khoảng 10-20% người học có đủ động lực để tự học thành công ngoại ngữ. The Coach sẽ là sản phẩm trọn vẹn cho đối tượng này. Ngoài ra sẽ là một loại vitamin bổ sung cho những người theo học tại các trung tâm hoặc những người muốn trau đổi kĩ năng giao tiếp. Step Up rất chào đón những sự hợp tác từ các trung tâm muốn có thêm công cụ ôn tập và giao bài tập về nhà trên app.

Một công ty nhỏ sẽ có lợi thế cạnh tranh gì so với công ty lớn?

  • Trong kinh doanh thì giá cả là vũ khí cạnh tranh mạnh nhất. Với cùng một giải pháp, một công ty bé xinh với một cơ cấu chi phí thấp hoàn toàn có thể đặt giá bằng 1/2 hoặc 1/3 đối thủ. Còn với những công ty tốn hàng chục triệu đô làm ra sản phẩm thì không dễ gì tự bắn vào chân và đặt giá như một công ty nhỏ được.
  • Tốc độ cũng là một lợi thế của một công ty nhỏ. Một nhà đầu tư công nghệ đã từng nói với mình, phần mềm tốt thường được làm bởi team nhỏ. Thay vì đợi tính năng mới được ra mắt tính theo quý hoặc theo năm, The Coach thay da đổi thịt theo hàng tháng.

Lời nhắn nhủ nào với người học ngoại ngữ?

  • Có lần đi Hạ Long mình bắt chuyện với một khách du lịch. Qua trao đổi mới biết ông chú đó qua Việt Nam nhập những bình gốm 100-200 đô và mang sang Úc bán ở các trung tâm thương mại cao cấp với giá 3000 đô. Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều điều không thể học trong sách vở được mà phải học qua trao đổi và trải nghiệm. Tiếng Anh sẽ là một chìa khoá mở ra muôn vàn cơ hội nghề nghiệp và du lịch khắp thế giới. Đầu tư vào tiếng Anh sẽ là một khoản đầu tư tốt nhất của bạn. Tiếng Anh và ngoại ngữ nói chung xứng đáng có được chú tâm trọn vẹn của bạn trong một năm tới.

Có lời khuyên nào cho những “đồng nghiệp” làm start up công nghệ không?

  • Mình chưa thành công nên lời của mình không gọi là lời khuyên, đây chỉ là chia sẻ thôi. Nếu bạn đang sống trong nhung lụa và an lành thì hãy cân nhắc thật kỹ trước khi dấn thân vào lĩnh vực công nghệ. Canh bạc này thực sự là sẽ rất chênh vênh với nhiều người, bài toán đôi khi khó tới ngạt thở.